Mẹ 9x chia sẻ cách chế biến ăn dặm kiểu Nhật vừa đẹp mắt

Chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, chị Mỹ Linh ở Hà Nội có khá nhiều kinh nghiệm chế biến đồ ăn dặm cho con mỗi ngày.

Là một bà mẹ trẻ lần đầu nuôi con nhưng chị Mỹ Linh ( 24 tuổi, Hà Nội) lại gây bất ngờ bởi những kiến thức ăn dặm vô cùng phong phú và khoa học được đúc kết ra từ tìm hiểu và chính kinh nghiệm thực tế của bản thân. 

Xem thêm: Thực đơn cho bé ăn dặm 6 tháng

Giữa vô vàn phương pháp ăn dặm đông, tây, truyền thống,... chị Linh đã lựa chọn cho cậu con trai ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) với những quy tắc rất riêng. Ngoài ra chị cũng rất cầu kì chuẩn bị những thực đơn ăn dặm mỗi ngày tạo hứng thú cho con khi ăn.


Chị Mỹ Linh bên con trai. (Ảnh NVCC)


Cùng trò chuyện với người mẹ trẻ khéo léo, đảm đang này để có thêm kinh nghiệm cho trong hành trình cho bé ăn dặm của mình.

- Chào chị, chị bắt đầu cho bé Thỏ ăn dặm từ tháng thứ mấy?

- Bé Thỏ nhà mình bắt đầu ăn dặm lúc 5,5 tháng. Khi bé được 3 tháng tuổi, mình bắt đầu tìm hiểu một số thực đơn ăn dặm, thấy có một số mẹ chia sẻ thực đơn ăn dặm kiểu Nhật, mình bắt đầu tìm hiểu về phương pháp ăn dặm này. Mất một thời gian tìm hiểu thì mình mới hiểu " rây" là gì ? " cháo 1:10 " là gì?

- Thời gian đầu ăn dặm theo chị cần chú ý những gì?

- Thời gian đầu cho bé ăn dặm, mình cho con ăn 1 bữa và bắt đầu bằng cháo rây với tỉ lệ 1:10. Con chỉ ăn khoảng 5ml cho ngày đầu tiên và chỉ ăn cháo rây trong vòng 1 tuần để con làm quen với thức ăn khác ngoài sữa. Và tuần thứ 2 thì mình bắt đầu kết hợp thêm rau củ cho con, mỗi món mới sẽ ăn trong 2 ngày để theo dõi con có thích hợp với món đó không, con có bị dị ứng không, có đi ngoài không…

Mình cho bé ăn riêng từng món để giúp bé cảm nhận và phân biệt mùi vị, từ đó biết bé thích hay không thích món nào và bé có bị dị ứng với thực phẩm thì mình cũng nhanh chóng tìm ra được nguyên nhân.


Bé Thỏ được mẹ áp dụng ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.


- Chị thấy ăn dặm kiểu Nhật có ưu điểm gì?

- Ăn dặm kiểu Nhật mình thấy có ưu điểm rất lớn đó là bé sẽ cảm nhận được từng món ăn riêng biệt, biết được bé thích ăn món nào? không thích ăn món nào? Và từ đó mẹ sẽ hiểu hơn về sở thích của con, có hướng giải quyết đối với những món bé không thích ăn.

Ăn dặm kiểu Nhật cũng giúp bé ăn thô sớm và được ăn nhạt. Ngoài ra bé còn ngồi ghế ăn không tivi, ipad, không bế rong...

- Chị có bí quyết gì giúp con ăn ngoan và hào hứng với những món mẹ nấu?

- Để bé ăn ngoan và hào hứng ăn hơn thì mình cho con ngồi ghế ăn dặm, không bế rong, không cho xem ti vi để con tập trung vào việc ăn uống. Nếu con không thích ăn nữa mẹ cũng tôn trọng con không ép, không gây áp lực vấn đề ăn cho con.

Trước khi ăn 1-2 tiếng mình không cho con ăn vặt, bú vặt, như vậy con sẽ đói và ăn uống ngon miệng hơn. Và trong bữa ăn luôn tạo không khí vui vẻ, khích lệ, động viên con ăn. Thỏ rất thích được khen, nên nếu mình khen bé ăn ngoan bé sẽ rất vui.z


Bé Thỏ cùng bố đi chơi. (Ảnh NVCC)


- Bé Thỏ có hợp tác ăn dặm kiểu Nhật không?

Trộm vía đến bây giờ bé Thỏ khá là hợp tác và hứng thú mỗi khi đến bữa ăn. Tất nhiên có những món bé thích và không thích. Với những món bé thích bé ăn rất nhanh, nhưng một số món bé không thích là bé sẽ quay đi hoặc mím môi. Những lúc như vậy mình sẽ không ép bé ăn thêm, mẹ sẽ tìm cách chế biến khác đi để phù hợp hơn với bé.


Bé Thỏ bên bố mẹ. (Ảnh NVCC)


- Chị dành thời gian như thế nào cho việc chế biến đồ ăn dặm? Cách lưu trữ thực phẩm như thế nào để đảm bảo giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất?

- Thường thì một bữa ăn của bé mình mất khoảng 45 phút để nấu, đối với những thứ cần phải ngâm lâu, chế biến lâu hơn thì mình làm trước đó.

Thời gian đầu bé ăn ít nên mình chọn phương pháp trữ đông thực phẩm cho bé. Chọn khay có nắp, cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh ăn trong 2-3 ngày. Từ khi bé 9 tháng tuổi trở đi thì mình không trữ đông nữa mà nấu đồ tươi cho bé.

- Theo chị, việc cho con ăn dặm kiểu Nhật ảnh hưởng như thế nào đến tính cách của bé?

- Theo mình ăn dặm kiểu Nhật mình nghĩ sẽ rèn cho bé tính nghiêm túc trong việc ăn uống, và sinh hoạt có nề nếp hơn. Việc ăn dặm kiểu Nhậtcũng sẽ giúp bé học được tính cách tôn trọng. Vì khi bé không thích ăn mẹ tôn trọng bé không ép ăn, thì sau này con cũng sẽ học được cách tôn trọng mọi người.


Bé Thỏ rất thích thú khi được ngồi vào bàn và chờ đón bữa ăn của mẹ nấu.


- Chế biến món ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cần chú ý gì ?

. Theo mình khi chế biến đồ ăn cho con, quan trọng là vệ sinh thực phẩm và độ thô của món ăn. Món ăn của con có độ thô phù hợp với từng giai đoạn, tuy nhiên lý thuyết cũng cần đi kèm với thực tế, tuỳ khả năng ăn thô của mỗi bé mà mẹ chế biến đồ ăn phù hợp với con. Nếu con chưa sẵn sàng ăn đồ thô nhiều thì mẹ nên chuyển ăn thô từ từ và ít một.

- Chị muốn nhắn nhủ gì đến các mẹ có dự định cho con ăn dặm kiểu Nhật?

- Quan trọng nhất là chuẩn bị tâm lý cho bản thân: khi áp dụng một phương pháp vẫn còn mới mẻ thì không thể tránh khỏi những tranh cãi. Người mẹ tốt nhất là biết rõ việc mình đang làm, giữ vững lập trường và quyết tâm đến cùng. Về kiến thức: phải chuẩn bị những kiến thức cơ bản, đọc và hiểu rõ mục đích cũng như tinh thần của phương pháp. Tài liệu căn bản về ăn dặm kiểu Nhậtcó rất nhiều ở trên mạng, ngoài ra còn có sách và thực đơn về ăn dặm kiểu Nhật ở tất cả các nhà sách.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức ăn dặm hữu ích.

Tham khảo thực đơn ăn dặm đa dạng các món ăn của chị Mỹ Linh dành cho con:


(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



(Ảnh NVCC)



Những bữa ăn dặm chị Linh làm cho con không chỉ chứa đựng tình cảm của một người mẹ mà còn là khẩu phần đầy đủ dinh dưỡng mà chị tâm huyết dành cho con.

Nhận xét